Lò hơi hay nồi hơi trong tiếng Anh là Steam Boiler; là thiết bị sử dụng các nhiên liệu đốt (than, củi, trấu,..) hoặc năng lượng điện để đun sôi nước tạo thành hơi nước mang nhiệt. Nguồn hơi nước mang nhiệt này người ta gọi là hơi nóng, một dạng năng lượng được sử dụng vào các mục đích như giặt là, sấy khô,… Với các mục đích sử dụng khác nhau mà công nghệ lò hơi sẽ có đôi chút khác biệt để tạo ra nguồn năng lượng hơi nóng có nhiệt độ, áp suất phù hợp.
Vậy cấu tạo của nồi hơi gồm những gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
▶ Buồng đốt: Đây là buồng tiếp nhận nhiên liệu đốt, và tạo ra nhiệt lượng bằng cách đốt cháy nhiên liệu. Trong quá trình đốt cháy, nguồn nhiệt lượng này sẽ được truyền đến buồng trao đổi nhiệt.
▶ Buồng trao đổi nhiệt là bồn chứa nước: Khi bồn này tiếp nhận nguồn nhiệt từ buồng đốt và làm nóng nước sẽ làm nước sôi lên, tạo ra hơi nước.
▶ Bơm tuần hoàn: Là thiết bị bơm nước nóng tuần hoàn giữa buồng trao đổi nhiệt và bể chứa nước.
▶ Hệ thống ống dẫn hơi nước ra: Khi nước sôi tạo thành hơi nước, hơi nước này sẽ được đưa ra ngoài bằng các ống kim loại chịu nhiệt và áp suất. Thông thường, các hơi nóng này thường được đưa vào bình tích áp để điều chỉnh áp suất.
▶ Đường nước hồi: Khi nước hay hơi nước bị nguội đi sẽ được đưa đến lò hơi làm nóng lại theo đường nước hồi này.
Trong bối cảnh công nghiệp ngày càng phát triển, hơi nóng, hơi bão hòa, hơi quá nhiệt cũng được xem như nguồn năng lượng sạch, an toàn với môi trường. Vì vậy, các đơn vị sản xuất công nghiệp cũng ứng dụng nồi hơi – lò hơi để tạo ra nguồn năng lượng này một cách chủ động và tiết kiệm chi phí hơn. Các ngành thường lắp đặt và sử dụng nồi hơi như:
▶ Ngành dệt may: sử dụng hơi nóng trong việc là(ủi) vải
▶ Ngành chế biến nông lâm sản ứng dụng hơi nóng trong sấy lúa, ngô, khoai, sắn, gỗ,…
▶ Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi dùng hơi nóng để tiệt trùng các nguyên liệu
▶ Ngành chế biến dược phẩm
Còn rất nhiều ngành nghề sản xuất cần sử dụng hơi nóng trong quá trình sản xuất. Và họ thường sẽ trang bị cho đơn vị mình một hệ thống lò hơi.